Không Thể Bỏ Con Dấu Doanh Nghiệp


      Định hướng quan trọng trong việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là tiếp tục tạo ra môi trường thông thoáng, lành mạnh, không phân biệt đối xử. Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã đưa ra khá nhiều nội dung cần sửa đổi và bổ sung, trong đó đề xuất bỏ con dấu của doanh nghiệp (DN). Đây là vấn đề đang có nhiều tranh cãi.
Ý kiến đề nghị bỏ con dấu của DN xuất phát từ một số vụ việc tranh chấp căng thẳng trong nội bộ DN về việc quản lý và sử dụng con dấu, ví dụ vụ việc tại Công ty CP đay Sài Gòn, Công ty CP Hữu Nghị Hà Nội, Đại học Hùng Vương và Công ty cung ứng tàu biển Hải Phòng... Do một cá nhân chiếm giữ con dấu, DN bị tê liệt. Song, nếu cho rằng, những vụ việc tranh chấp như vậy là do con dấu gây ra thì thật oan cho con dấu. Xét về bản chất, đó là những tranh chấp về quyền lực, thể hiện qua việc tranh chấp quyền quản lý, sử dụng con dấu. Nếu không có con dấu, tranh chấp về quyền lực đó vẫn xảy ra với những biểu hiện khác. Trong những trường hợp đó, con dấu không có lỗi mà chỉ bị lợi dụng khi có sự tranh giành quyền lực trong nội bộ DN.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước (Nghị định 58/2001/NĐ-CP). Như vậy, với một DN, khi một văn bản được đóng con dấu của DN (có cả chữ ký của người có thẩm quyền) thì văn bản đó là của DN. Nếu một văn bản chỉ có chữ ký của người có thẩm quyền nhưng không được đóng con dấu của DN thì chưa đủ căn cứ để khẳng định đó là văn bản nhân danh DN. Sự phân biệt như vậy là rất cần thiết để bảo đảm sự minh bạch, bảo vệ quyền lợi cho những cổ đông, thành viên góp vốn và đối tác trong thương mại, đầu tư của DN. Chẳng hạn, ông A- Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của công ty X ký hợp đồng vay tiền của ông B, hợp đồng được đóng dấu công ty X thì đó là công ty X vay và có nghĩa vụ trả nợ. Khi hợp đồng đó chỉ có chữ ký của ông A mà không được đóng con dấu của công ty X thì đó chỉ là giao dịch của ông A, không có cơ sở pháp lý để yêu cầu công ty X trả nợ.
Con dấu của DN là “tài sản của DN”, do đó, nó phải do DN quyết định về hình thức, nội dung và công tác quản lý.
Với các hợp đồng mua, bán, hợp tác đầu tư, các quyết định bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật người lao động... cũng tương tự. Rõ ràng, con dấu là công cụ quan trọng để phân biệt rõ, văn bản nào được ban hành, ký kết nhân danh DN và văn bản nào là của cá nhân. Nếu không còn con dấu, ranh giới giữa nhân danh DN và nhân danh cá nhân trong các giao dịch của người co thẩm quyền sẽ không còn. Khi đó, việc quản lý DN sẽ vô cùng rắc rối.
Tuy nhiên, điều bất hợp lý là quy định về quản lý con dấu của DN ở nước ta hiện nay được áp đặt hoàn toàn như việc quản lý con dấu của cơ quan nhà nước. Con dấu của cơ quan nhà nước thể hiện quyền lực của nhà nước, là tài sản của nhà nước và phải được quản lý chặt chẽ. Song, con dấu của DN là “tài sản của DN”, do đó, nó phải do DN quyết định về hình thức, nội dung và công tác quản lý. Ngược lại, quy định của pháp luật lại quy định rất chi tiết từ hình thức, kích thước, nội dung của con dấu, màu mực dấu. Tên quận, huyện, tỉnh, thành phố mà DN đóng trụ sở cũng phải được ghi trên con dấu. Chỉ cần DN chuyển trụ sở sang nơi khác (điều xảy ra rất phổ biến với các DN nhỏ và vừa) là phải thay con dấu, gây tốn kém rất lớn cho cả DN và công tác quản lý của nhà nước. Vô lý hơn nữa, khi DN không may bị mất con dấu- tài sản của chính mình- lại bị phạt vi phạm hành chính rất nặng!
Chính vì những quy định quá chi tiết kiểu áp đặt, làm thay chủ sở hữu DN, nên mới có chuyện một công chức Việt Nam không chấp nhận “con dấu nhỏ hơn nhiều (nhỏ hơn 36mm), mực dấu màu tím than, hoa văn loằng ngoằng” của DN Nhật Bản trong hợp đồng liên doanh!
Chưa thể bỏ con dấu của DN trong giai đoạn hiện nay khi kinh tế thị trường mới phát triển ở giai đoạn đầu, chữ tín trong kinh doanh chưa được tôn trọng. Song, nhà nước cũng cần trao lại quyền có con dấu và quản lý con dấu cho chủ sở hữu DN. Điều đó có nghĩa là, chỉ cần quy định trong Luật DN như sau: “DN có con dấu riêng và phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Hình thức, kích thước, nội dung và nguyên tắc sử dụng con dấu do điều lệ công ty quy định”.
Nguồn: Báo điện tử Công Thương